m xinh xinh . Thằng Quang – thằng này có kỷ lục số lần “thả bom” ( ị ra quần ) trong lớp cũng hong hóng chen lấn đứng cạnh bé con của mình làm mình chỉ muốn thoi cho nó một quả. Bé con đứng cạnh mình, hình như bữa nay nó được mẹ đánh một ít môi son với phấn nên nhìn xinh xắn hơn so với thường lệ. Cả đám cười toe toét cho 1 pô kỷ niệm cuối cùng của đời học sinh cấp 1. Chụp xong, cả lớp lần lượt khoanh tay ra về . Con bé lí lắt quay đầu nhìn mình một cái rồi cười tươi, vẫy chào rồi chạy ra chỗ người nhà đến đón, mình cũng ngoác miệng cười thật lớn, hớn hở ra về với niềm tin ngây thơ rằng , 3 tháng hè rồi cũng qua đi rồi mình cũng gặp lại bé. Mà đâu có biết rằng đó chỉ là niềm tin của một đứa con nít 11 tuổi.Sau 3 tháng hè chơi bời hoa lá, ngày tựu trường cũng đã đến nhưng ngạc nhiên thay, con đường mới , trường mới , lớp mới, bạn bè mới. Chẳng còn dấu tích nào của bạn bè cũ cả. Đám bạn cùng lớp 5 bây giờ chẳng thấy một ai. Thằng Lâm cũng không còn học chung . Mình đảo mắt nhìn quanh, ráng tìm khuôn mặt của đứa bé con thân thuộc. Nhưng bé con đâu mất tiêu rồi. Ngày đầu tiên trong một cái lớp mới sao lạ lùng quá.. Về nhà, mặc dù vẫn vui khoe với ba má về bạn mới, lớp mới, nhưng ẩn trong sâu thẳm tâm hồn là một nỗi buồn nhè nhẹ len lỏi như vừa đánh mất một thứ gì đó. Ba má cũng giải thích rõ hơn để hiểu rằng bạn bè lớp 5 bây giờ không còn được học chung nữa. Và thằng Lâm thì còn học chung trường nhưng khác lớp rồi.
Ngày đi học thứ 2, cảm giác háo hức vơi đi gần phân nữa. Mình uể oải, ngáp ngắn dài đi bộ theo chị tới trường HHT ( hai chị em học chung trường ) . Quăng cái cặp lên bàn xong là tiếng trống vào giờ học, cô chủ nhiệm bắt đầu phân chia chỗ ngồi. Mình bị xếp ngồi chung ngồi bàn 2, dãy ngoài bìa với một con nhỏ tên là M.H mà sau này mớI biết rằng nó thuộc dạng mít ướt ( xếp chung với một đứa như mình thế có khổ đời không kia chứ ! ) . Mình đảo mắt nhìn quanh lớp một cách cẩn thận một lần nữa , và rồi ….”Sét đánh hụt lần 2” .
Ngồi ở bàn thứ 2 , dãy giữa là một cô bé xinh cực tên là T.D, với mái tóc ngang lưng, làn da trắng và đặc biệt là đôi mắt đẹp mơ mộng. Hóa ra hôm qua nó chưa đi học. Người lớn có câu: “ Anh hùng khó qua khỏi ải mỹ nhân” , thì với con nít chắc cũng có câu : “ Anh “nít” khó qua khỏi ải mỹ “nít” “ . Hình ảnh + nỗi buồn về cô bé tóc thắt bím cấp 1 tạm thời lui vào bóng tối , nhường chỗ cho cô bé T.D kia bước vào. Ha ha, cuộc đời lại như một giấc mộng, được rồi lại mất , mất rồi lại được.
Niềm vui lại tràn ngập phơi phới trong tâm hồn, lại có thêm một lý do để chăm đi học hơn. Đâu ngờ rằng, hoa đẹp thì có nhiều người ngắm. Thời điểm ấy đã báo hiệu bắt đầu một cuộc tranh đấu dai dẳng không chỉ trong học hành mà còn chân tay, nảy sinh bao nhiêu trò cười ra nước mắt kéo dài suốt 4 năm, 1460 ngày, không chỉ giữa mình và đám con trai cùng lớp mà còn với đám con trai cùng khối và lớp đàn anh trong trận chiến chinh phục trái tim người đẹp.
Câu chuyện 15: “Tao không khóc đâu, Milu !”
Cả cuộc đời mình cho đến giờ, chỉ nuôi 2 con. Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất vẫn là Milu, con chó cuối cùng mình nuôi vào năm 11 tuổi. Milu chỉ là một con chó ta bình thường không có gì đặt biệt. Nó được nhà mình xin về nuôi từ lúc lọt long mẹ. Milu thông minh lắm, dường như nó hiểu trên đời này nó không còn ai khác là bạn ngoại trừ mình . Mình cho nó ăn, chơi đùa hàng ngày, tắm thường xuyên cho nó, tìm cách dạy cho nó đi vệ sinh tại một nơi cố định phía sau sân nhà. Nó khôn lắm , chưa bao giờ làm sai cả; Nó còn biết trò bắt tay nữa. Dường như có một sợi dây kết nối mình với nó. Ngày nào, đi học về thì nó cũng đã có ở nhà , ngúc ngoắc cái đuôi đòi chơi đùa với mình rồi.
Chó khôn không ngại chủ nghèo . Nhưng nó cũng nghịch lắm. Hay cắn rách áo gia công nên ba mẹ mình nhiều lúc bực lắm. Nhưng mình đứng ra năn nỉ nhiều lần chứ không thì nó nhiều lúc ốm đòn rồi. Khi nó được 3 tháng tuổi, người chủ mà gia đình mình làm gia công thuê, trong một lần đến lấy hàng may xong thì thấy con chó khôn nên ngỏ ý xin về nuôi để trông xưởng cho họ. Ba mẹ mình trong lúc này không tiện từ chối nên đã đồng ý . Khi ấy mình đang đi học nên lúc về nhà thì đã muộn rồi. Buồn và tức giận lắm nhưng cũng đành phải chấp nhận. Lòng tự an ủi rằng ở nhà chủ thì chắc chắn nó được ăn ngon hơn ở nhà mình.
Bẵng đi 1,2 tháng, cứ tưởng rằng nó đã quên gia đình mình. Nhưng khi mẹ mình có việc ghé qua xưởng may, con chó bây giờ đã lớn mừng rỡ sủa om sòm, nó giật đứt sợi dây dù buộc mà chạy đến quấn lấy chân mẹ mình không rời. Khi mẹ mình quay v
, dù người chủ gọi mấy cũng không them quay lại mà cứ lon ton đi theo mẹ mình. Cảm động trước sự trung thành của nó, dù có làm mất lòng họ, mẹ mình đành lựa lời mà nói với người chủ xin lại con chó. Rất may, người chủ cũng đồng ý mặc dù mình chắc trong bụng cũng không vui lắm.
Ngày con chó về, mình vui lắm không kể xiết. Hai chủ tớ cứ ôm riết mà chơi đùa. Hạnh phúc thật nhỏ nhoi và bình dị.
Thế nhưng , niềm hạnh phúc cũng nhanh chóng qua đi khi nó bị cảm. Ngày đó mình chẳng có dư dả gì mà cho nó đi khám thú y. Người bệnh còn phải chịu huống chi chó. Thế nhưng, mình cũng tìm mọi cách có thể để cứu nó: thấy người bị cảm hay đánh gió, xức dầu.. mình cũng làm tương tự như vậy cho nó. Đó là tất cả những gì mình có thể làm cho nó trong thời điểm đó.
Nó khỏi bệnh , nhưng mãi mãi không chạy được nữa. Hai chân sau đã bị liệt. Tuy bị liệt như vậy, nhưng khi đi vệ sinh nó cũng chịu lết lết bằng 2 chân trước để đến nơi vệ sinh mà mình quy định cho nó. Cái cảm giác đau xót khi chứng kiến nó bị như vậy khiến mình hết sức đau lòng, nhưng không biết làm sao.
Bị liệt, nó yếu đi trông thấy. Chỉ sau 1 tuần, không ăn uống được gì nữa, và chỉ còn nằm một chỗ mà rên gừ gừ. Tình hình của nó càng lúc càng tệ hơn. Mình biết nó đang mệt và đau lắm nhưng phải làm sao đây ? Cái cảm giác bất lực nhìn người bạn thân thiết của mình đang nằm chờ chết thật không thể nào chịu nổi ! Nhưng vẫn câu hỏi cũ : biết làm sao đây với một đứa nhóc 11 tuổi như mình lúc đó ?
Ba mẹ mÌnh bàn bạc và đi đến một quyết định đau lòng : hóa kiếp cho nó. Và ba mẹ mình nóI mình rằng điều đó sẽ giải thoát nó khỏi sự đau đớn mà nó phải chịu đựng và hy vọng nó sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn vào kiếp sau. Anh em có thể đánh giá nó là một giải pháp tàn bạo, mình không trách. Nhưng sâu thẳm trong trái tim mình khi ấy, mình cũng đã hy vọng cách này sẽ giúp nó không còn đau đớn nữa.
Đau đớn, mình nhìn ba đưa nó ra sau nhà. Và tất cả kết thúc.
Từ năm lớp 3,4 , ba mình cấm không cho con trai trong nhà không được khóc. Mình được dạy rằng : « Nam nhi có thể đổ máu chứ quyết không rơi lệ ». Nhưng sao khi chôn nó , dù đã cắn chặt răng mà sao nước mắt cứ chảy dài.
« Bụi vào mắt tao đấy, chứ tao không khóc đâu, Milu ơi ! «
Câu chuyện 16 : « Hello Mary, Hello Peter »
Vào những năm 90, tiếng anh là thứ tiếng lạ lẫm nhưng lại quan trọng lắm. Người lớn học tiếng Anh giao tiếp mong kiếm được bằng A, B,C hòng tìm được một chỗ làm tốt , trẻ con cũng được cho đi học tiếng anh vỡ lòng dù nhiều khi chính tả tiếng Việt còn sai tới sai lui.
Anh mình thời điểm đó trình độ chỉ lớp 12, không thi đại học , do phải đi làm sớm phụ ba mẹ nuôi các em. Anh làm công nhân cho dược Mekong, tuy bận và mệt là thế nhưng ban đêm vẫn cố gắng đi học thêm anh văn tại trường NTH. Tiện thể ổng cũng đóng cho mình một suất học anh văn vỡ lòng trước khi nhập học chính thức. Cứ tối tối, hai anh em lóc cóc chở nhau trên chiếc xe đạp mini đi học. Lần đầu tiên vào lớp học anh văn, cũng có một đám trẻ ranh như mình đang ngồi đợi giáo viên. Thầy giáo khoảng 45-50 tuổi, đeo kính đen. Lần nào đi học chỉ thấy ổng mặc áo sơ mi trắng, quần tây,đóng thùng , đúng chất lịch sự của bậc tiền bối.
Bài học đầu tiên là “ Hello Mary, my name is Peter.”. Cả lớp bao gồm mình ê ah đọc theo nghe chiều chăm chỉ lắm. Tối về nhà hôm đó, dù đang cúp điện, nhưng mình cũng chăm chỉ đột xuất mở sách ra ê ah dưới ngọn đèn dầu leo loét: “Hello , my name is Peter…”. Ba mẹ và anh nhìn mình, mỉm cười gật gù ra chiều vui lắm, tin tưởng vào tương lai sáng lạn của thằng út. Chắc chỉ mấy chốc là nói tiếng anh như gió cho coi.
Thế nhưng, chẳng phải đợi lâu. Chỉ mấy hôm sau, mình ngán nó đến tận cổ. Ngày nào đi học cũng một đống từ vựng bắt học thuộc. Bản tính trẻ con ngang bướng chẳng bao giờ muốn học cái gì mà nó chẳng thích bao giờ. Thật là vô vị và chán ngắt. Thế là sau được 1 tuần, vào lớp chỉ uể oải mấp máy môi đọc theo chúng bạn. Được 2 tuần, rồi 3 tuần, đến khi đợt đóng tiền đăng ký học khóa mới, mình sống chết thế nào cũng không đi học. Ba mẹ nạt mãi không được, chỉ thở dài bảo: “ Thôi vậy thì mày ở nhà” . Đồng nghĩa là kết quả của sau 1 tháng đi học thêm tiếng anh chỉ vỏn vẹn thu được 6 chữ: “ Hello Mary, my name is Peter”. Ước mơ một đứa con trai út giỏi giang, nói tiếng anh như gió tạm thời tan như bong bong xà phòng.
Anh mình chẳng nói gì, ảnh buồn lắm. Mình đâu có biết được rằng, ước mơ của anh mình chỉ mong muốn mình lớn lên sẽ không bị thua thiệt với người đời như ảnh. Dù s
ố tiền đóng học cho mình đã chiếm một khoản đáng kể trong khoản lương công nhân còm cõi ấy.
Hôm sau, Ảnh lọc cọc đạp xe đi học một mình. Chiếc xe đạp mini lặng lẽ lăn bánh. Nhớ lại dáng gầy gò , 18 tuổi phải gánh vác phụ giúp bố mẹ cả đại gia đình, lo cho em mà mình thấy sao xót xa.
Câu chuyện 17: Tiếp cận người đẹp. Phương án 1 : Lạnh lùng.
Note: Tính viết Câu chuyện 17: Tiếp cận người đẹp. Phương án 1 : Lạnh lùng. nhưng mà chuyện tán gái này đan xen nhiều câu chuyện nhỏ với nhau nên tính khi có thời gian viết một mạch cho tiện.
Nên thay vào đó sẽ là những câu chuyện cuộc sống xung quanh. Mong anh em thông cảm.
Câu chuyện 17: “Cô chú đừng đuổi tôi đi
Nhà làm con cá cho bữa chiều. Chẳng may, mẹ mình bất cẩn làm bể mật cá. Mật lan khắp con cá, rửa mãi không hết. Tiếc của, mẹ mình rang nấu canh chua cá. Mật đắng nhưng cũng ráng ăn do chẳng có cái gì khác mà ăn. Ngoài trời đang mưa rả rich, đang ăn, bỗng có tiếc gõ cữa. Một bà lão ăn xin đứng khẩn khoản chìa bàn tay. Mẹ lắc đầu thưa: “Nhà con chẳng có tiền gì. Nhưng nếu bà không chê thì vào đây ăn với tụi con một bữa”. Hơi bất ngờ, bà lão run run bước vào nhà . Ngồi xuống ăn chung. Bà cầm chén cơm mà run run, ăn như nuốt món cá canh chua đắng nghét. Mẹ mình thở dài: “ Con tưởng con khổ mà xem ra trời còn thương con. Bà còn khổ hơn con nhiều lắm”
Vừa ăn vừa hỏi chuyện, bà từ miền Trung. Con cái bỏ rơi. Khổ quá lên SG này tìm việc, hy vọng làm giúp việc. Nhưng bà đã già quá thì ai còn cần nữa. Đói, phải đi ăn xin mong sống qua ngày. Mẹ mình hỏi : “ sau này bà tính thế nào ? “ . “ Sống được lúc nào hay lúc đó cô ah”. Mẹ mình quả quyết: “ nhà con chẳng dư dả gì nên không dám mướn bà làm thuê. Nếu bà không chê thì coi như ở tạm lại đây với tụi con , nhà con được ăn gì , bà ăn nấy. Bà chỉ cần giúp con nấu cơm thôi. Trong thời gian đó, con sẽ kiếm chỗ làm giúp việc cho bà”. Từ đó, bà ở với gia đình mình. Cả nhà coi như người trong gia đình. Vui vẻ và hạnh phúc.
Mẹ mình tìm được nơi làm giúp việc, có lương đàng hoàng. Về nhà giới thiệu cho bà, tưởng bà vui. Không ngờ, bà chỉ im lặng rồi rơm rớm nước mắt bảo: “ Cô chú đừng đuổi tôi đi. Tôi không cần lương. Ở đây khổ mấy tôi cũng chịu”.
Câu chuyện 18: Nước Mỹ ở xa lắm
Người em họ lên ăn ở nhờ trong thời gian dài chờ cơ hội đi vượt biên, ba mẹ mình chẳng tiếc thứ gì lo cho ăn uống, đồ đạc để qua bên đó có cái mà dùng. Ngày đi, người em nắm chặt tay ba mẹ bảo rằng sẽ không bao giờ quên ba mẹ. Chú ấy may mắn thoát trót lọt. Nhưng từ ấy bặt vô âm tín. Ngày trở về thăm hết nhà này đến nhà kia. Riêng nhà mình chỉ gọi điện thoại hỏi thăm lấy lệ. Chị mình hỏi : “ Nước Mỹ ở đâu vậy ba ?”. Ba mình cười buồn bảo : “ nước Mỹ ở xa , xa lắm con ah !”
Câu chuyện 19: Nước Mỹ ở gần lắm
Ngày ba mình còn trong quân đội, kết nghĩa anh em với một người trong phân đội. Ngày Saigon sụp đổ, người bạn vượt qua bom lửa đạn lái xe jeep đến đón ba mình nhằm xuống tàu. Ba mình lắc đầu không đi do mẹ mình đang chạy loạn không biết tung tích. Người bạn buồn bã đưa vợ con xuống tàu. Cách biệt gần 20 năm trời, người bạn nhiều lần trở về tìm ba nhưng không thấy do ba mình không còn ở chỗ cũ nữa. Thời gian không chiều lòng người. Chú bệnh nặng rồi qua đời. Trước khi chết, chú viết lại một bức thư rồi trăn trối người con trưởng bằng mọi giá phải trao tận tay bức thư đến ba mình. Trời chắc cảm động nên con trai chú tìm thấy nhà mình. Con trai chú trao cho ba mình bức thư. Đọc dòng đầu tiên, ba mình rơi nước mắt. Chú viết : “Đ., tao xin lỗi mày”.
Mình lại thấy nước Mỹ ở gần lắm , không xa đâu.
Câu chuyện 20: : “Xích lô, đi không chú ơi!”
Ngày Chủ Nhật, Anh Hai và mình đi lễ. Khoảng cách từ nhà ra nhà thờ đi bộ cũng xa. Nhưng đi nhiều riết cũng quen. Ngày nọ, một bác đạp xích lô đã già, dáng vẻ mệt mỏi đạp theo năn nỉ : “Đi không chú ơi ! Cả ngày nay mà chưa được cuốc nào “. Thương tình, cũng chỉ 2K chẳng đáng bao nhiêu , hai anh em leo lên xe. Đạp chưa được bao xa, vừa đói vùa trúng gió, bác đạp không nổi nữa. Vừa thương vừa sợ, anh mình vội mua ổ bánh mì với chai dầu sao vàng ( dầu đựng trong hộp tròn nhỏ có in hình ngôi sao vàng , giờ hết bán rồi) cho bác xức rồi lại ì ạch phụ đẩy xích lô về nhà bác.
Trong nhà, thằng con ông xích lô đang ngồi nhậu với đám bạn. Nó hất hàm hỏi : “ ông già sao giờ này mới về”. Tưởng anh mình gây tai nạn gì cho ông xích lô, nó lừ lừ tiến lại muốn gây chuyện. May sau khi ông xích lô kịp thời giải thích, nó quay qua đám bạn nhậu tiếp. Hai anh em cuốc bộ ra về, lòng mừng thầm cũng may bác xích lô không bị sao.
Về nhà, mẹ hỏi sao giờ này mới về. Thuật lại chuyện, mẹ chẳng nói gì; Chỉ bảo tuần sau lên nhà thờ xưng tội bỏ lễ Chủ Nhật .
Câu chuyện 21: “Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua ”
Sát kế bên nhà là nhà ông T., phần đất phía sau nhà ông ngăn cách với nhà mình bằng hàng rào kẽm gai. Ông nóI với ba mình tính bữa nào xây bức tường ngăn hai bên cho an tâm, nhưng chẳng biết sao mà chưa làm. Ngày trước, ông làm chức tước gì đó lớn lắm. Con ông đứa làm cán bộ, đứa mở công ty. Tiệc tùng rỉ rả suốt ngày tháng. Khách khứa đến xếp xe chật cả một bên xóm. Người nào người nấy ai cũng hớn hở xưng anh xưng em. Ông chỉ mở cửa đó khách của ông khi có tiệc tùng. Còn ngày thường thì đóng cửa im ỉm chẳng chơi với ai trong xóm.
Rồi song gió ập đến gia đình ông, con ông đứa bị bắt, đứa bỏ trốn. Những người xưng anh xưng em ngày nào chẳng thấy đến nữa. Chủ nợ ùn ùn kéo đến phá cửa xiết đồ nhà ông. Ba mình phải cắt hàng rào kẽm gai cho ông trốn qua. Rồi không lâu sau, căn nhà bị siết và bán cho người khác. Chẳng ai còn biết tung tích của ông giờ ở đâu.
“ Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua”. Chân lý duy nhất khiến cho người đang cười sẽ ngưng cười, và người đang khóc sẽ ngưng khóc. Chẳng có sự giàu sang nào là vĩnh cữu và chẳng có sự đau khổ nào kéo dài mãi mãi.
Câu chuyện 22: Trò chơi tiền thẻ nhựa + thú nhựa
Những an hem nào tự xưng 8X đời đầu và đời giữa như mình thì hầu hết đều biết cái này. Người l